Bàn chải chà chân và chiếc email không được trả lời

 Tôi vẫn luôn nghĩ rằng bản thân mình là một đứa trẻ thông minh. Đáp án trên bảng là gì, người khác không biết, nhưng tôi thì biết. Cơ chế phản ứng này là gì, người khác không rõ nhưng tôi thì rõ. Dần dần như thế, quanh đi quẩn lại, tôi đã không còn là một đứa trẻ nữa rồi. 


Lần đầu tôi nhận thức được sự tàn nhẫn của năm tháng là hôm bà mất. Bà đã lớn tuổi như thế, mỗi người trong nhà đều đã sớm biết ngày này sẽ đến. Lúc bà mất, tôi đang nói chuyện điện thoại với mẹ. Mẹ nhận được một cuộc điện thoại, báo rằng bà đã mất rồi. Mẹ khóc òa  và nói rằng mẹ nghĩ đến lúc nhỏ bà đút tôi từng muỗng cơm. Nhưng tôi thì không cảm thấy gì cả. Tôi chỉ cảm thấy mất mát, nhưng tôi không đau lòng. Tôi chỉ nghĩ rằng sau này quay về sẽ không còn lý do gì để quay về Bình Hưng nữa. Xa nhà nhiều năm như thế, quả thật là không kịp nữa rồi. 

Tôi có kể qua câu chuyện cái quần rách trên instagram. Nhưng mấy hôm được nghỉ tôi có sắp xếp lại phòng thì tôi có thấy một cái bàn chải chà chân. Tôi nhớ năm 2016 lúc tôi chuẩn bị du học, tôi đến thăm bà và dùng cái bàn chải đó để chà chân. Thực sự là loại bàn chải chà chân cao cấp chất lượng cao. Bà nói rằng nếu thích thì cứ lấy đi, biết đâu ở Mỹ người ta không có bán loại bàn chải này. Tôi lúc đó nghĩ rằng chỉ là một cái bàn chải chà chân, hà cớ gì phải mang theo. Tôi nói với bà rằng thôi bà cứ giữ lại mà dùng. Nhưng bà cứ bảo rằng mang theo đi. Tôi mang theo thật nhưng không dùng lần nào. Ngay cả năm 2019 lúc tôi quay về, tôi vẫn mang theo cái bàn chải đó. Lúc rời đi, tôi một lần nữa mang nó sang Mỹ. Bởi vì lúc đó tôi nghĩ, biết đâu lần sau quay về, sẽ không còn người đợi tôi nơi góc giường cũ nữa. 

Tôi thường xuyên sai. Nhưng lần này tôi lại đúng. 

Tôi nhận ra rằng cái gọi là mong nhớ đến từ những điều tôi đã bỏ quên. Như cái quần rách bà đã vá lại cho tôi hay cái bàn chải chà chân mà tôi nhét vào nơi sâu nhất trong vali. Ví dụ như khi ai nhắc đến bài tiến lên, tôi sẽ nhớ đến bộ bài bà luôn giữ trong âu đựng trầu của bà. Ví dụ như khi đi mua baguette tôi sẽ nhớ đến buổi sáng khi tôi còn chưa tỉnh ngủ bà sẽ gọi xe bánh mì dừng lại và mua cho tôi vài bánh mì ấm nóng cùng một bịch sữa đậu nành.

Tôi nhớ lúc bà nhập viện tôi nhiều lần muốn gọi về nhưng vì bận bịu bài vở và chênh lệch múi giờ mà tôi đã không gọi. Tôi cứ nghĩ, lần sau mình sẽ gọi. Không ngờ rằng tôi sẽ không còn cơ hội để nói "lần sau" nữa. Tôi cứ nghĩ mãi không biết trước khi mất, nếu hiện tượng đen kéo quân có thật, bà có nhìn thấy tôi trong mớ kí ức hỗn dộn không. Không biết rằng khi tôi đang nói "lần sau", bà có đang đợi một cuộc gọi từ tôi không.

Sự tàn nhẫn của năm tháng là khi tôi nghĩ rằng tôi sẽ không đau lòng khi người không còn nữa. 

Hồi đầu học kì tôi có tham gia vào nhóm nghiên cứu của một giáo sư trong trường. Thầy rất tận tâm và tôi cũng rất thích nghiên cứu tôi đang làm. Cách đây một tháng tôi gặp khó khăn trong nghiên cứu và tôi cũng muốn gặp thầy để trao đổi project mới. Tôi email thầy. thầy nói tuần này thầy bận nhưng hãy nói cho thầy biết giờ nào tôi rảnh, lần sau thầy sẽ gặp tôi và thảo luận thêm. Thấy còn PS bảo rằng thầy rất háo hức để gặp tôi!!! Ba dấu chấm thang vẫn còn đó. Tôi báo thầy những khung giờ tôi rảnh. Sau đó bẵng tầm 2 tuần hơn rất lâu tôi không nghe gì từ thầy nữa. Cho đến một sáng thứ hai, trưởng khoa thông báo với học sinh rằng thầy đã mất.

Đột ngột như vậy. Tôi vẫn mãi đợi một chiếc email. 

Tôi là một đứa trẻ thông minh như vậy. Lẽ ra tôi phải sớm biết cái gọi là "lần sau" thực ra chỉ là "bỏ lỡ".

Điều tàn nhẫn của năm tháng là khi tôi nhận ra tôi trưởng thành qua những lần "bỏ lỡ". Tôi không mong thời gian quay trở lại. Tôi nghĩ rằng chỉ có "bỏ lỡ" thì tôi mới có thể khắc khoải nhiều năm. Chỉ có như thế, tôi mới không bỏ quên hình ảnh của những người tôi đã "bỏ lỡ". Cuộc sống bận bịu, năm tháng dài rộng nhưng một số việc mãi mãi không có "lần sau".

Comments