Thành tích

Konica 100
Từ lâu rồi tôi không còn để ý đến thành tích nữa. Tôi dĩ nhiên biết ít nhiều khả năng và nỗ lực được phản ánh dựa trên thành tích. Tôi dĩ nhiên cũng biết không phải khả năng và nỗ lực nào cũng được vẹn toàn phản ánh trên thành tích. Tôi cảm thấy thành tích chính là một thước đo vô cùng tiện lợi cho nhiều chuẩn mực đạo đức. Lạ thay là thành tích chẳng có liên quan gì đến đạo đức cả.
Hồi cấp I tôi không nổi trội việc học hành lắm. Tôi cũng không hoạt động văn thể mỹ tích cực và ở trên lớp cũng không hăng say phát biểu, không đặc biệt quậy phá, không đặc biệt ngoan ngoãn cũng không đặc biệt kém cỏi. Chính là loại học sinh có cũng được mà không có càng tốt. Lúc đó thật ra luôn cảm thấy bản thân kém cỏi. Ở nhà thì là con gái lớn được cưng chiều nhưng ở trường chả là ai cả. Tệ hơn là mọi người trong nhà cứ đinh ninh là tôi xuất sắc lắm cơ mà tôi lúc đó còn quá bé để hiểu thật ra chả có cái gì ở cấp 1 có ý nghĩa cả. Tôi luôn cảm thấy mình là kẻ nói dối vì tôi quá kém cỏi để được xem là xuất sắc. Tôi nhớ rằng tôi từng khá thân với một cô bạn học "đặc biệt giỏi" trong lớp. Lớp 5, có một lần bọn tôi phải xin GVCN nghỉ để tham gia hoạt động gì đó. GVCN của lớp tôi rất là sáng suốt mà đả đảo vài ba cái hoạt động nhảm nhí mà rất khó chịu khi bất cứ ai xin nghỉ giờ chính quy để tham gia hoạt động. Nhưng mà bọn tôi thì không, cứ mãi xem đó là một thành tựu to lớn. Bạn ấy nói gì đó đại loại như " Tui thì học giỏi nên xin thầy nghỉ dễ rồi còn bà học... khá nên sẽ khó hơn đó, nghĩ cách đi." Cảm giác như nó không cố ý nhưng trong giọng nói đến 9 phần lộ rõ vẻ khinh thường. Lúc đó tôi cảm thấy chán ghét nó vô cùng mà cũng chán ghét bản thân sao mà lại kém cỏi. Thật là ngốc hết chỗ nói.
Sau đó như thế nào thì tôi không nhớ nữa. Chỉ nhớ là gần 8 năm rồi tôi vẫn nhớ rõ cảm giác hổ thẹn lúc đó. Lúc vừa lên cấp 2 tôi vẫn giữ nguyên thái độ học tập như cũ. Không phát biểu rầm rộ, không tỏ vẻ mình biết hết (vì sự thật là tôi đâu có biết hết đâu) nhưng mà về nhà vẫn làm đầy đủ bài tập, đều đều ngày ngày ngay ngắn nghiêm túc nghe giảng. Tôi vẫn nghĩ rằng như thế là đủ nào ngờ tháng đầu tiên lúc cô đọc hạng thì tôi hạng nhì. Không ngờ nỗ lực bé xíu như vậy lại trở thành dư dả. Cũng vì thế mà mở ra một loại áp lực thành tích mà trước đó tôi xem nhẹ. Mỗi tháng thấp thỏm xem mình có tặng hay rớt hạng không, rồi cảm thấy bản thân tầm thường như vậy có phải là ăn hên nhiều lần không. Nói chung tôi cứ hạng 2 mãi đến hết năm, mọi người cứ tưởng tôi là người ổn định vì hạng nhất lần lượt thay đổi người nhưng tôi đã xây biệt thự nghỉ dưỡng ở hạng 2 rồi.
Lúc đó tôi cảm thấy mọi người không nắm bắt được trọng điểm. Hạng nhất hàng tháng đều đổi người nhưng mà sao chẳng bao giờ đến lượt tôi. Giờ nghĩ lại tôi mới là người không nắm được trọng điểm. Hạng 2 thật là tốt biết bao, sóng to gió lớn thế nào cũng là hạng nhất chống đỡ, hạng 2 chỉ cần nằm mát hưởng tí gió trời còn sót lại, thật vô cùng tiện lợi.
Đến lớp 7 tôi cảm thấy rất mệt mỏi, một phần cảm thấy đời kiếp này chắc sẽ không bao giờ được hạng nhất, một phần là vì cảm thấy học đều các môn là hết sức vô nghĩa. Tôi chỉ muốn học những gì tôi cảm thấy cần thiết. Phần còn lại là vì tôi nghĩ mãi hạng nhất rồi thì làm gì tiếp theo. Tôi từ bỏ việc học đều các môn, rất nhanh sau đó tôi tuột hạng, tuột bao nhiều thì tôi không nhớ chỉ nhớ là thường hay nằm đâu đó ở cuối top 10. Nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng, áp lực không lớn mà cũng không mệt mỏi học thuộc lòng vài ba cái vớ vẩn nữa. Dĩ nhiên lúc đó còn nhỏ nên vẫn cảm thấy thành tích phần nào chính là thước đo đạo đức của tôi. Thành tích chính là năng lực và nỗ lực.
Lớp 8 tôi vào đội tuyển hoá, thành công suôn sẻ mà tự luyện thành một dạng có năng lực. Lúc đó tôi cảm thấy mình thật sự là người có năng lực. Đó cũng là lúc tôi không quan tâm đến thứ hạng nữa mà chăm chỉ giải đề hoá. Có lẽ sự thích thú nằm ở chỗ giải bài tôi thật sự phải dùng não chứ không phải là ở việc hiểu rõ rằng dạng bài nào thì cần làm những bước nào để ra kết quả. Lớp 9 là lúc tôi học lệch hoàn toàn. Tôi từ bỏ các môn học bài vì tôi được đặt cách, bằng cách này hay cách khác tôi đều thuận lợi mà nhân điểm 9, 10 của các môn đó, dần dần mất luôn khả năng học thuộc. Tôi từ bỏ hy vọng ở môn văn vì tôi không hiểu tại sao bài thơ chỉ có nửa trang giấy mà tôi phân tích đến hai đôi giấy. Tôi không phục. Môn anh chính là môn tôi không cần học vẫn có thể lấy điểm 9, 10, thật là may mắn quá. Sau đó tốt nghiệp cấp 2 hết sức vẻ vang, hết sức thuận lợi. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất đứng nhất. Thật ra tôi cũng không biết là mình đứng nhất nhưng mà lúc ba vào lấy học bạ đã hớn hở chạy về bảo rằng đệ nhị nhị con gái tôi cuối cùng cũng tu thành chánh hoả rồi. Bao nhiêu năm không hạng nhất hoá ra là để kết thúc ngoạn mục bằng một lần nhất trường.
Trong lòng cảm thấy có lẽ mấu chốt cho sự thành công nho nhỏ này chính là ở 3 chữ "không áp lực". Vì không có áp lực lớn nên tôi mới có thể tập trung vào cái cần tập trung. Cho nên thành tích không quan trọng nữa, quan trọng là đặt trọng điểm ở đâu. Càng về sau tôi càng không để tâm tới thành tích nữa. Đây phải chăng mới là tu thành chánh quả thực sự?
Tôi vẫn nghĩ thành tích là quan trọng. Có lẽ vì tâm lý bị ảnh hưởng đã ăn sâu vào tôi nhiều năm nay nên tôi không dám xem thường. Chỉ là nó không còn quan trọng như nó đã từng năm tôi 12 tuổi nữa. Tôi dùng nó làm một cái khiêng, chống đỡ được bao nhiêu điều rắc rối vụn vặt. Cảm thấy thật là tiện. Xã hội này xem trọng thành tích, nhất là đối với người còn đi học cho nên thành tích tốt một chút nghiễm nhiên phần nào trở thành người tốt. Thật là giả dối nhưng tôi trục lợi được từ sự giả dối đó nên cũng có nhiều phần biết ơn.
Điều tôi muốn nói ở đây là không phải thành tích không có ý nghĩa mà là cho dù ý nghĩa của nó là gì nó cũng không định nghĩa được bạn là ai và giá trị của bạn. Nói thì đơn giản nhưng thành tích quả thật là một loại phiền phức không thể nào tránh được.Giống như có một tảng đá lớn treo trên đỉnh đầu, có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, thương vong chắc chắn là không nhỏ. Có điều bản thân không thể né được tảng đá đó mà việc không thể né được thì chỉ có thể lờ đi.

Comments